Hội chứng Viêm Vú – Viêm Tử cung – Mất sữa trên heo (MMA) là bệnh thường xảy ra trên heo nái trong các thời kỳ mang thai và chiếm tỷ lệ cao nhất là giai đoạn sau khi sinh. MMA là tình trạng xáo trộn sinh lý của nái sau khi sinh thường được ghi nhận trên chẩn đoán lâm sàng gồm có: vú sưng cứng đỏ sẫm, sữa giảm hoặc ngừng, tử cung tiết dịch viêm chảy ra bên ngoài. Thường khi heo nái bị bệnh viêm tử cung (Metritis) dễ dẫn đến viêm vú (Mastitis) và viêm vú sẽ có thể dẫn đến mất sữa (Agalactia).
MMA làm giảm khả năng sinh sản của heo mẹ ở các chu kỳ sinh sản tiếp theo. Gây ảnh hưởng đến đàn heo con theo mẹ: heo không đủ sữa bú, giảm tăng trưởng và tăng tỷ lệ heo con chết ở giai đoạn theo mẹ. Bệnh còn làm tăng chi phí giá thành chăn nuôi và gây tổn thất kinh tế.
1. Viêm tử cung (Metritis)
- Viêm dạng nhờn: thường xuất hiện rất sớm sau khi sinh, lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương nhẹ, kích thích tiết dịch nhờn tử cung, dịch viêm thường loãng, lợn cợn, mùi tanh, sau vài ngày dịch tiết giảm dần. Đôi khi không cần điều trị cũng tự khỏi.
- Dạng viêm mủ: Thể viêm này tương đối nặng, niêm mạc tử cung bị tổn thương nặng, có sự xâm nhập của vi trùng sinh mủ và hầu hết các vi trùng cơ hội. Nó đôi khi chính là hậu quả của viêm nhờn. Viêm dạng mủ thường biểu hiện các triệu chứng sốt, chán ăn, tiết dịch viêm nhiều mủ có thể lẩn một ít máu.
- Viêm dạng mủ lẩn máu: Đây là dạng viêm rất nặng, thường đi kèm với nguyên nhân đẻ khó, sót nhau, tử cung bị tổn thương nặng. Nái có biểu hiện sốt cao, dịch viêm rất hôi, thường dẫn đến viêm vú mất sữa. Nếu không can thiệp kiệp thời nái rất dễ bị tử vong sau một thời gian hoặc không còn khả năng nuôi con.
Nguyên nhân
- Do phối giống cho heo bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo không đảm bảo vệ sinh hoặc thô bạo làm tổn thương niêm mạc tử cung gây viêm.
- Do can thiệp heo nái đẻ khó gây tổn thương đường sinh dục.
- Do kế phát từ bệnh : sẩy thai truyền nhiễm, parvovirus, sót nhau thai.
Triệu chứng
- Heo mẹ sốt , mệt mỏi, đường sinh dục có dịch viêm màu trắng đục chảy ra, mùi hôi thối khó chịu, chu kỳ động dục rối loạn.
- Kém sữa, đôi khi không cho con bú.
2. Viêm vú (Mastitis)
Viêm vú thường ít gặp hơn viêm tử cung. Viêm vú xảy ra ở một vú hoặc vài vú hay cả bầu vú, vú bị viêm thường sưng cứng, màu đỏ bầm, khi ấn vào còn để lại vết, vú không tiết sữa hoặc tiết sữa có lẩn máu. Viêm vú ít xảy ra nhưng khi xảy ra thì mức tác hại rất lớn vì tác động trước tiếp trên heo con sơ sinh. Nếu không chữa trị kịp thời, vú viêm sẽ bị teo lại, mất sữa, cũng có khả năng bị xơ hóa và mất khả năng cho sữa.
Nguyên nhân
- Do tác động cơ học làm tổn thương bầu vú vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào vết thương gây viêm.
- Thường gặp trong trường hợp heo con khi đỡ đẻ không được cắt răng nanh hoặc bầu vú của heo mẹ quét xuống nền chuồng.
- Kế phát từ bệnh sản khoa: viêm tử cung
Triệu chứng
- Heo mẹ sốt cao, ăn uống kém, bầu vú sưng, nóng, đỏ, lượng sữa giảm hoặc mất.
- Heo mẹ không cho con bú, heo con mỏi mệt, lông xù, da thô, nằm mỗi nơi một con, nếu điều trị không kịp thời heo con sẽ còi cọc, hoặc chết do thiếu sữa.
3. Mất sữa (Agalactia)
Kém sữa hay mất sữa thường là hậu quả của hai chứng viêm tử cung và viêm vú. Những xáo trộn về sinh lý của hai chứng trên làm cho nái không tạo ra sữa ở mức bình thường. Bệnh thường xảy ra từ 1 – 3 ngày sau khi sinh hoặc có thể thấy ở bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn nuôi con.
Nguyên nhân
- Do các bệnh của tuyến vú như: viêm vú, tắc ống tiết và thải sữa.
- Do khẩu phần ăn thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài.
- Do kế phát từ những bệnh như: viêm mủ tử cung, sót nhau, sảy thai truyền nhiễm, dịch tả, tụ huyết trùng.
- Do rối loạn nội tiết tố tiết sữa.
Triệu chứng
- Heo mẹ giảm lượng sữa hoặc mất hoàn toàn. Con vật nằm úp bụng xuống nền chuồng không cho con bú, heo con lông xù, da thô gầy yếu, nằm mỗi nơi một con đi lại chậm chạp và chết dần.
4. Hội chứng MMA (Mastitis – Metritis – Agalactia)
Nguyên nhân
- MMA là một phức hợp bệnh do nhiều loại vi khuẩn gây ra như: E.coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus, Streptococcus. Đây là những vi khuẩn cơ hội, có sẵn trong môi trường, khi chuồng trại không đảm bảo vệ sinh sẽ tạo điều kiện gây bệnh.
- Thai lớn, chèn ép làm giảm nhu động ruột gây táo bón và gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, cổ tử cung mở làm mầm bệnh dễ tấn công.
- Cung cấp thức ăn không cân đối và không đủ nước uống, cho nái ăn nhiều chất đạm và khoáng nhưng ít chất xơ trong giai đoạn cuối thai kỳ hoặc nái quá mập cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh MMA.
Triệu chứng
Triệu chứng toàn thân: Sau khi sinh 12-18 giờ nái sốt cao 40-41 độ C, mệt mỏi, bỏ ăn, giảm uống nước, táo bón, thường hay nằm sấp không cho heo con bú do vú bị viêm, sưng và đau.
Triệu chứng cục bộ:
- Bầu vú bị sưng, sờ vào thấy cứng và nái có biểu hiện đau
- Âm đạo chảy ra chất dịch lợn cợn, màu trắng đục, mùi tanh hôi
Ảnh hưởng trên heo con theo mẹ thường gặp nhất là không ăn uống, kêu la, da khô, lông dựng lên và đa số bị tiêu chảy
Phòng bệnh
- Chuồng nái đẻ luôn đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ và khô thoáng. Đặc biệt tắm rửa vệ sinh nái sạch sẽ trước khid dưa vào chuồng đẻ
- Cung cấp đầy đủ nước sạch cho nái uống trong giai đoạn mang thai và tiết sữa. Cho nái uống đủ nước trong giai đoạn nái mang thai khoảng 20 lít/con/ngày và trong giai đoạn tiết sữa nuôi con từ 35-50 lít/con/ngày
- Khẩu phần thức ăn của nái trước khi sinh cần giảm chất bột đường, chất đạm, tăng cường chất xơ.
Liên hệ ngay đến các chuyên gia của Win Pharma để được tư vấn kỹ hơn!
Hotline: 1900.8935
Fanpage: Win Pharma