Bệnh dại là gì?
Trên thế giới, bệnh dại được ghi nhận từ 2.300 năm Trước Công Nguyên. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh của cún cưng.
Các bé mắc bệnh dại bắt đầu thay đổi tâm tính theo từng thời kỳ của bệnh. Và dù ở giai đoạn nào, các bé đều có thể lây truyền virus cho người hoặc động vật khác.
Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh?
Nguồn bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó hoang, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác.
Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, phụ thuộc vào sức khoẻ, tình trạng nặng, nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Vì sao thú cưng mắc bệnh dại?
Virus bệnh dại
Nguyên nhân gây ra bệnh dại chính là virus Rhabdo. Một loại virus tác động trực tiếp lên hệ thần kinh. Nó thường ẩn sâu trong cơ thể của các loài động vật máu nóng. Chẳng hạn như dơi, chồn, chó, mèo hoặc một số loài động vật khác.
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh dại ở chó
Các bé cún thường hay “giao lưu” với nhau bằng những đòn cắn giả. Hoặc chúng có thể tranh giành lãnh thổ, thức ăn, … với nhau. Nếu không cẩn thận, chúng có thể làm nhau bị thương. Nếu trong nhóm có một bạn cún mang virus dại. Virus từ chó bị bệnh sẽ theo nước bọt dính vào vết thương hở của bé cún nhà bạn. Khi đó, quá trình lây nhiễm bệnh dại thành công.
Nguyên nhân gián tiếp
Virus bệnh dại luôn rình rập để tìm cơ hội xâm nhập vào cơ thể của cún cưng. Một bãi nước dãi, hoặc dịch tiết từ thú mắc bệnh cũng có thể lây nhiễm cho boss nhà bạn. Nguyên nhân là vì có sự tiếp xúc giữa virus trong nước bọt với vết thương hở của bé.
Cơ hội tiếp xúc của chúng có thể là do quá trình cắt tỉa lông, ăn uống không hợp vệ sinh. Một số trường hợp cún cưng bị lây bệnh chéo từ bạn khác khi được lưu chuồng. Đôi khi, một số cơ sở thú y không đảm bảo an toàn cho khâu khử trùng cũng sẽ gây nhiễm bệnh cho bé nhà bạn.
Biểu hiện của bệnh
Có 2 thể điển hình:
Thể điên cuồng: Con vật có biểu hiện khác thường như bồn chồn, đi lại không yên, ngơ ngác, sợ ánh sáng, bỏ ăn chảy nhiều nước dãi, ban đêm kêu hú không ngủ, sau đó chó mất phản xạ quen chủ, lên cơn điên dại, tấn công dữ dội vào mọi người kể cả chủ, chạy rông trên đường phố, mắt đỏ ngầu, chui vào góc tối, lên cơn co giật và chết trong vài ngày.
Thể dại câm: không có các biểu hiện như lên cơn dại điên cuồng. Con vật chỉ buồn bã, bỏ ăn, thường thích nằm im lặng. Cơ nhai và họng bị liệt không ăn, không nuốt được, hàm dưới thường trễ xuống và chảy nhiều nhớt dãi quanh mép, ở thể này con vật không cắn nhưng nước bọt và nhớt dãi chứa vi rút có thể truyền bệnh cho người và động vật khác qua các vết thương hở ngoài da. Con vật chết trong trạng thái bị liệt hoàn toàn sau 2 – 3 ngày phát bệnh. Thể này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại nên gia chủ vẫn có thể chăm sóc và vuốt ve.
Tiến trình mắc bệnh dại trên thú cưng
Sau khi bị nhiễm trùng, virus dại sẽ xâm nhập và phát triển đầu tiên trong mô cơ. Ở đây chúng có thể tồn tại trong nhiều ngày hoặc thậm chí là nhiều tháng. Trong thời gian này, con vật vẫn khỏe mạnh và không có biểu hiện bệnh nào.
Trong vòng từ 1-3 tháng, virus sẽ bắt đầu xâm nhập tới các dây thần kinh trong cơ thể, tấn công tủy sống và não (Virus này tồn tại trong nước bọt, nước mắt, sữa và cả nước tiểu của thú nuôi).
Theo đó phải mất từ 12-180 ngày để virus lây lan qua các dây thần kinh ngoại vi và cuối cùng là hệ thần kinh trung ương. Từ lúc này bệnh bắt đầu tiến triển một cách nhanh chóng. Vật nuôi bắt đầu có những biểu hiện rõ rệt của bệnh dại. Cuối cùng con vật sẽ chết trong vòng 4 hoặc 5 ngày. Bệnh có 2 giai đoạn chính: thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ phát bệnh.
Thú cưng bị bệnh dại có chữa được không?
Win Pharma rất tiếc khi phải nói với bạn rằng chó mắc bệnh dại khi đã khởi phát thì không còn cách cứu chữa. Tỉ lệ tử vong trên chó khi mắc bệnh dại được ghi nhận là 100%. Chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể bảo vệ người bạn bốn chân bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Có bắt buộc phải tiêm phòng dại cho chó?
Bệnh dại là căn bệnh nguy hiểm lây truyền từ vật chủ trung gian là vật nuôi. Trong đó, 90% là từ chó, còn lại là mèo và một số loại gia súc khác. Tiêm phòng dại ở vật nuôi là cách duy nhất để ngăn chặn con đường lây truyền bệnh nguy hiểm này. Tại nhiều nước trên thế giới, tiêm phòng dại cho vật nuôi là quy định bắt buộc mà các gia đình phải tuân thủ. Vaccine phòng bệnh dại được dùng cho chó, mèo cùng một số loại gia súc ngựa và chồn.
Nên tiêm phòng dại cho chó mèo vào thời điểm nào?
Một trong những điều cần lưu ý khi tiêm phòng dại cho chó là thời điểm tiêm thích hợp. Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại vắc xin phòng dại chó. Trong đó, phổ biến nhất là loại vắc xin 7 bệnh và vắc xin phòng 5 bệnh cho chó. Mỗi loại vắc xin sẽ được chỉ định tiêm ở những thời điểm thích hợp.
Thông thường, một số loại vắc xin phòng bệnh ở vật nuôi, cụ thể là chó sẽ được tiêm khi vật nuôi đủ 8 tuần tuổi trở đi. Riêng với vắc xin phòng dại chó sẽ được tiêm khi chó đạt độ tuổi từ 3 tháng tuổi trở lên. Vắc xin phòng dại chó không tiêm cho chó đang mang bầu, không tiêm quá sớm có thể làm hỏng hệ miễn dịch trong cơ thể vật nuôi.
Tiêm vắc xin phòng dại bao nhiêu mũi?
Nên lưu ý khi tiêm phòng dại cho chó rằng, một mũi tiêm trong suốt vòng đời của một con chó là chưa đủ. Chúng không đủ kích thích hệ miễn dịch trong cơ thể của chó và vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Chính vì thế, sau mũi tiêm đầu tiên, chú thú cưng của gia đình bạn cần phải tiêm mũi vắc xin phòng dại lần 2 sau đó 3-4 tuần. Tiêm đủ ít nhất 3 mũi vắc xin này.
Mỗi năm, nên tiêm nhắc lại mũi vắc xin phòng dại một lần cho chó. Tùy theo loại vắc xin được tiêm mà thời gian tiêm nhắc lại có thể khác nhau. Gia đình khi nuôi chó, mèo hoặc các thú cưng khác cần lưu ý điều này để phòng bệnh tốt nhất cho vật nuôi của gia đình. Nếu không nhớ lịch tiêm cụ thể thì chỉ cần định kỳ tiêm vắc xin phòng dại chó mỗi năm một lần là được.
Một số phản ứng của chó sau khi tiêm vắc xin
Với nhiều gia đình, chó cưng được coi như một thành viên quan trọng trong nhà. Việc làm sao để bảo vệ sức khỏe cho chúng là điều mà ai cũng quan tâm. Trong khi đó, tiêm vắc xin phòng dại chó cũng có thể gây nên những phản ứng bất thường mà các gia đình không nên bỏ qua và có sự chuẩn bị trước.
Sau khi tiêm vắc xin phòng dại, cơ thể vật nuôi sẽ có những biểu hiện như: khó thở, thở dốc, mặt sưng lên. Trong nhiều trường hợp phản ứng mạnh có thể gây xuất huyết, tiểu ra máu. Tuy nhiên, đây là những biểu hiện khá bình thường và hết sau khoảng 24h sau tiêm. Nếu có phản ứng mạnh hơn thì gia đình cần đưa vật nuôi đến gặp bác sĩ thú y kịp thời.
Những lưu ý khi tiêm phòng dại cho chó
Nhằm đảm bảo việc tiêm vắc xin phòng dại chó an toàn, người nuôi chó cần lưu ý:
Lưu ý trước khi tiêm
- Đảm bảo chó trước khi tiêm khỏe mạnh, không có vấn đề gì về sức khỏe.
- Không tiêm cho chó mẹ đang mang bầu vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chó mẹ và cả chó con.
- Cho chó ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tắm sạch sẽ trước khi tiêm.
Lưu ý sau khi tiêm
- Không tắm cho vật nuôi trong vòng 1 tuần sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
- Cung cấp thức ăn đủ dinh dưỡng cho chó sau khi tiêm để thú cưng của gia đình mau chóng hồi phục.
- Không thả rông chó ra ngoài đường sau tiêm trong vòng 7 ngày để tránh lây nhiễm bệnh trong thời gian cơ thể thích nghi với vắc xin.
- Giữ nơi ở, chuồng của vật nuôi khô ráo, sạch sẽ, tránh để chó bị bệnh do sức đề kháng đang kém sau phản ứng của vắc xin.
- Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường sau tiêm vắc xin, vật nuôi cần được đưa đến cơ sở thú y gần nhất để kiểm tra.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần làm gì?
Rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.
Không chà sát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó cần đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.
Khi xử lý vết thương do bị động vật cắn người dân cần chú ý: Không băng kín, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương; Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.
Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Việc khám và điều trị dự phòng dại bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Trong vòng 6 tháng sau tiêm vắc xin, người dân không sử dụng bất kỳ các loại đồ uống có cồn như rượu, bia … đặc biệt có một số thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành kháng thể kháng vi rút dại của cơ thể, do đó trong thời gian này khi đi khám chữa bệnh cần báo cho bác sỹ biết việc mình đang tiêm phòng dại.
Liên hệ ngay đến các chuyên gia của Win Pharma để được tư vấn kỹ hơn!
Hotline: 1900.8935
Fanpage: Win Pharma